Tôi tên là Quỳnh (họ tên đầy đủ là Nguyễn Đức Quỳnh), hay lăng xăng khắp nơi và thích mặc đồ nhiều màu sắc rực rỡ tươi sáng, trong đó màu cam là thường xuyên nhất nên được gọi là Mr. Orange (Ngài Cam), vậy là có cái tên Quỳnh Orange (trước đó cũng đã được gọi bằng một vài cái tên khác như Quỳnh Nguyễn, Quỳnh Ng, Tyrion Q. Nguyen).
Được sinh ra và lớn lên ở vai trò là con trai cả (và cũng là “tộc trưởng“) trong một gia đình bình thường có 3 anh em ở Hà Nội, bố là giảng viên đại học, mẹ là cán bộ của một viện nghiên cứu. Tôi đã có được một tuổi thơ êm đềm với rất nhiều sắc màu của đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là những ngày hè cháy nắng với các chú và anh/em họ nơi vùng quê Mê Linh đất Phong Châu.
Tôi lớn lên một cách tự nhiên như cây cỏ đầu xuân với đủ các trò chơi của trẻ con: trèo cây, đá bóng, bơi sông, thuê truyện chưởng, trốn học chơi điện tử, oánh lộn, … và tất nhiên là cả những trận đòn quắn đít vì những trò nghịch dại.
Mùa thu năm 1991, lần đầu tiên tôi được nghe đến, nhìn thấy và sờ tay vào một thứ được đặt cẩn trọng trong hộp (và khiếp hơn là còn phải đặt ở trong phòng có điều hoà không khí – lúc đó có biết máy lạnh là cái gì đâu), cái thứ mà cha mẹ và một vài người lớn xung quanh biết đến và kính cẩn gọi là “máy vi tính“, chiếc máy IBM XT màn hình đơn sắc. Từ lúc ban đầu rón rén học và “nghịch“, rồi sau một năm thì chứng kiến “nó” làm được rất nhiều thứ theo “mệnh lệnh” của mình trong khi người lớn xung quanh thì “chẳng hiểu gì cả”, sự yêu thích với máy vi tính cứ tăng dần lên qua việc tự vọc rồi biết cách điều khiển máy vi tính làm được nhiều thứ hơn qua các câu lệnh DOS, Norton Commander (NC), các “chương trình” được viết bằng Pascal, và cả cách thức “xử lý dữ liệu” với dBase/FoxBase (để hè năm 1994 còn được chú út trả công 10 tr. – đủ học phí cho 2 năm đầu đại học, qua việc giúp chú viết một hệ thống xử lý dữ liệu điều tra dân cư trên FoxPro).
Từ những thứ tự vọc vạch đó mà sau này tôi đến trường Đại học Thăng Long để theo học ngành Toán – Tin Học như “một lẽ tự nhiên” mà không có ai hướng dẫn hay chia sẻ về nghề nghiệp, tương lai hay “sự đam mê dẫn lối”. Việc đến trường đại học đối với tất cả lũ trẻ chúng tôi khi đó là một điều đương nhiên (thậm chí là lựa chọn duy nhất lúc đó) dù chẳng biết đến đó để làm gì ngoài việc “tiếp tục đi học như những ngày qua”. Nhưng ở tuổi 18, giảng đường đại học lại là một thế giới mới khác hoàn toàn so với những trải nghiệm trước đó, đủ thứ lạ lẫm lẫn quậy phá từ đó như đua xe, uống rượu, hack hệ thống mạng của trường, những giờ học như chợ vỡ, … đã dần mang đến cho tôi những “bài học tý xíu” về cuộc sống. Mặt khác, số phận đùn đẩy để trở thành lớp trưởng (do điểm thi đầu vào cao nhất) thế nên từ đó tôi có thêm trải nghiệm về đoàn hội trong trường để từ đó một số “kỹ năng mềm” như phối hợp, vận động, làm việc theo nhóm cũng dần dần được hình thành trong khi tôi chẳng có tý khái niệm nào về mấy thứ đó cả.
Mùa hè năm 1997, khi mới bước qua tuổi 20 tôi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực “làm phần mềm chuyên nghiệp” khi gia nhập vào công ty VIT-Infotech với vai trò thực tập sinh, và đây là quãng thời gian “đáng giá” nhất trong cuộc đời công nghệ phần mềm khi được học tập, làm việc và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư duy phân tích hệ thống của sếp Đỗ Việt Nga (và cũng là cô giáo dạy môn Phân tích Thiết kế hệ thống). Thành tựu đáng kể nhất trong giai đoạn này là xây dựng và chuyển giao được 02 hệ thống giải pháp quản trị đều được các đơn vị sử dụng liên tục hơn 10 năm, đó là “Hệ thống Điều hành Tác nghiệp” trên nền tảng IBM Lotus Notes/Domino, sử dụng cho việc quản lý văn phòng ở UBND Tỉnh/TP hoặc Bộ/Ngành, và “Hệ thống Quản lý vận hành Bảo hiểm Nhân thọ” trên nền tảng Oracle Forms/RDBMS cho BVLife (Bảo Việt Nhân Thọ). Ngoài ra một số “kỹ năng mềm” khác như đàm phán, tạo động lực cho đội nhóm, … bắt đầu được lờ mờ hình thành dần dần qua những trải nghiệm nhỏ từng ngày, thậm chí kỹ năng uống rượu cho đủ lượng với các sếp mà mặt vẫn trắng, người không nghiêng ngả là cũng được tạo lập trong giai đoạn này.
Đầu xuân năm 2000, tôi bắt đầu một hành trình mới: khởi nghiệp.
Gọi là khởi nghiệp nhưng cả 4 gã founders chẳng ai biết gì về kinh doanh, luật pháp, quản trị, nhân sự, tài chính, marketing, bán hàng, … Thiết kế & Lập trình ứng dụng dotcom – đó là tất cả những gì “đã biết & sẵn sàng”, đi kèm với sự hứng khởi hừng hực muốn tạo dựng một công ty gia công phần mềm mạnh (trend thủa đó), phía sau là khoản đầu tư mạo hiểm từ Chicago của sếp Andy Bùi sau khi sếp bán đi cổ phần ở Paragon Solutions.
Những ngây thơ của tuổi trẻ đi kèm với năng lượng ngút trời, 24 tháng ròng rã tôi chỉ biết đến các bản sơ đồ thiết kế và mã lệnh, “bạn thân” là ly cafe đặc bên màn hình máy tính. Cả team làm việc điên cuồng với cường độ 14 – 16 tiếng/ngày, “cho ra” được 2 phiên bản của hệ thống quản trị dòng công việc theo tiêu chuẩn Workflow management system (Wfms), và gọi sản phẩm dotcom đó với cái tên Onlineflow (về sau nhìn thao tác trong Keap thì tôi lại hồi tưởng đến giai đoạn này vì khi đó nhóm tôi phụ trách phần Workflow Designer và Form Designer).
Sau 24 tháng và tiêu hết $500.000 để có được 2 bản prototype với kết quả “không có khách hàng nào mua”.
Và cái “đáng giá” nhất trong giai đoạn này là tôi bắt đầu được tiếp cận với những khái niệm về phát triển bản thân (self-development) một cách bài bản. Trước đó đã đọc cuốn “Đắc Nhân Tâm” rồi, nhưng tâm trí bên trong thì không sao đồng tình được với với các cách thức “gây ảnh hưởng đến người khác” được mô tả trong đó. Và chỉ cho đến khi đọc, thảo luận và thực hành theo các nguyên lý từ cuốn sách “7 thói quen hiệu quả” của Stephen R. Covey (khi đó sách có cái tên rất salexy là “7 thói quen của người thành đạt”) thì lúc đó tôi mới hình dung ra được ở thế giới rộng lớn bên ngoài có những cách suy nghĩ khác, cách làm khác, cách sống khác, … về sau được đi “luyện ké” khoá này với team của ngân hàng ABN Ambro Vietnam thì hiểu rõ hơn và từ đó luôn lựa chọn các nguyên tắc này để dẫn lối cuộc sống.
Khi hiểu về vòng tròn quan tâm, vòng tròn ảnh hưởng, P/PC và Sống kiến tạo (Be proactive) thì tôi đã luôn chú ý, quan sát các ngôn từ của bản thân để loại bỏ dần đi những câu “tôi phải”, “không thể”, … và luôn chọn vị thế chủ động dù có bị thiệt thòi đi nữa.
Nguyên lý chủ động để tự do lựa chọn là nguyên lý quan trọng nhất mà tôi học hoài học mãi vẫn không hết trong hơn 20 năm qua, và giờ đây mỗi lần khi đứng trong lớp học AIP thì tôi lại thấy điều này ngày càng được làm rõ nét hơn nhiều lần.
Bắt đầu bằng đích đến (Begin with the end in mind) là kỹ thuật thiết đặt mục tiêu đầu tiên tôi sử dụng khi thực hành thói quen này. Những ngày đầu tiên thực hành, một phần cảm xúc là sợ hãi vì cách trình bày khác lạ của tác giả, nhưng càng thực hành thì càng hiểu tại sao Stephen R. Covey lại nhấn mạnh đó là cách để xác định “mục tiêu cuộc đời”. Và trong 20 năm sau, cái “bảng mục tiêu” này còn được cập nhật nhiều lần, nhưng cách thức cốt lõi là vẫn giữ nguyên.
Các thói quen khác được Stephen R. Covey trình bày và dẫn dắt như Ưu tiên điều quan trọng (Put first things first), Tư duy cùng thắng (Think win – win), Thấu hiểu rồi được hiểu (Seek first to understand, then to be understood), Cùng tạo cách mới (Synergize), Rèn mới bản thân (Sharpen the saw) cũng là những dẫn lối mạnh mẽ trong nhiều năm sau này (các tình huống hoặc ứng dụng cụ thể, tôi xin phép sẽ bàn sâu hơn ở blog, chỗ này thì chỉ chia sẻ thêm “1 chuyện buồn cười” là khi đó thực hành thói quen số 7 (Sharpen the saw) rất hăng hái mà chẳng hiểu gì về thiền lẫn làm chủ tâm cho dù thời điểm đó có 3 – 4 năm liên tục tập khí công lẫn Vĩnh Xuân Ngô Gia).
Còn về team khởi nghiệp, câu hỏi đặt ra: hết tiền, không có khách hàng, giờ thì làm gì tiếp?
Team đổi hướng sang thị trường nội địa, và anh founder bự nhất bắt đầu bày chuyện lôi thôi trong đời sống cá nhân lân sang công việc của nhóm. Thêm 15 tháng nữa “dặt dẹo” với những vị thế ảo tưởng trong “kỹ nghệ phần mềm” và “công nghệ tài chính”, nhân sự ngày càng phình to đi liền với sự hỗn loạn về mong cầu và lợi ích, còn kết quả thì càng mịt mờ. Đầu hè năm 2003, tôi quyết định dừng lại vì rào cản đạo đức không thể vượt qua, chấp nhận bỏ hết stock options để rời đi.
Nghỉ ngơi trong 3 tháng, phân tích xu thế và khả năng thị trường, tôi lại bắt đầu hành trình mới: tiếp tục khởi nghiệp.
Mùa hè năm 2003, Công ty Cổ phần Phần mềm Hà Nội (Hanoi Software JSC) ra đời, tập trung vào lĩnh vực Internet marketing ở thị trường Việt Nam.
02 năm cặm cụi phục vụ từng khách hàng trong việc xây dựng website và triển khai SEO (tối ưu hoá bộ máy tìm kiếm – tập trung vào Google), khi mà cả thị trường chẳng biết web là cái gì, chẳng biết SEO là cái gì, chẳng biết link farms là cái gì, … thì công ty của tôi “đành phải làm trùm” ở mảng này tại Hà Nội. Giai đoạn 2005 – 2007 là giai đoạn “làm không kịp thở”, vì cứ 1 khách hàng hoàn thành xong hợp đồng thì lại giới thiệu ra 2 khách hàng mới, website lúc đó đứng đầu ở rất nhiều lĩnh vực khi tìm kiếm trên Google, và có “chuyện cười” là anh bạn tôi, Phạm Thành Long, có hỏi tôi vào hè năm 2007: “mày làm cái gì mà tao tìm kiếm về karate cũng ra web công ty phần mềm của mày vậy?”. Có lẽ phần mềm CMS là do tôi “tự chế” nên tôi đã nhồi vào đó rất nhiều kỹ thuật “black hat”, đi kèm với tool tự động tạo liên kết ở khắp các forum trên thế giới mỗi ngày tạo ra khoảng 2000 back links trỏ về website của tôi. Và tất yếu “đi đêm nhiều thì có ngày gặp ma”, và “con ma” này giờ vẫn mờ mịt không biết là ai, đúng là ma: website của tôi bị “ai đó” báo cáo (report) với Google vì đã lạm dụng quá nhiều trò, và Google quyết định trừng phạt bằng cách gỡ bỏ toàn bộ chỉ mục, nghĩa là sẽ chẳng còn ai tìm thấy website của tôi trên Google nữa (kháng cáo, kháng nghị đủ trò thì 2 năm sau mới được xuất hiện trở lại). Tuy nhiên việc làm tốt các hợp đồng và từ đó liên tục có referrals nên nên công ty vẫn sống khoẻ và phát triển tốt.
Mùa hè năm 2007 thì bắt đầu có sự chia tách, một founder quyết định dừng hẳn lại để sang Hoa Kỳ học master (giờ thì đang làm việc cho Facebook), còn một founder khác thì nhận một khoản đầu tư để tách cái website “trò chơi” của tôi lập ra từ cuối năm 2003 – ChúngTa.com, phát triển thành công ty chuyên cung cấp thông tin cho doanh nhân, lấy tên là Businessman 360. Còn tôi vẫn tiếp tục với công nghệ Internet marketing ở Hanoi Software JSC.
Đầu năm 2010, Businessman 360 giải tán sau khi tiêu hết $300.000, và đột nhiên anh founder này quay sang “gây sự” với tôi (mãi về sau mới biết, lúc đó anh ý và người vợ thứ hai đang ở giai đoạn “đấu tố” khi tiến hành thủ tục ly hôn). Tranh chấp qua lại trong 06 tháng tạo ra những mệt mỏi triền miên, tôi quyết định dừng lại để bảo toàn năng lượng, chuẩn bị cho việc quan trọng kế tiếp.
Cuối năm 2010, tôi bắt đầu một hành trình khởi nghiệp mới, lần khởi nghiệp này chưa có tý trải nghiệm nào cả: lấy vợ.
Hành trình mới này tưởng chừng như đã được chuẩn bị kỹ càng hoá ra là chưa được chuẩn bị một chút nào cả. Ở trong mối quan hệ nhiều năm, cũng đã đặt ra rất nhiều câu hỏi để chuẩn bị tương lai nhưng những thứ căn bản nhất của một gia đình thực sự như bổn phận, yêu thương, biết ơn, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, … là chưa bao giờ được học hỏi, luyện tập, và chuẩn bị, về sau tất yếu sẽ gây ra những hệ luỵ.
Năm 2012, khi đang đợi chờ con trai đầu chào đời, tôi quay lại Hanoi Software JSC và “tuyển” được giám đốc cho mình. Được gỡ ra khỏi sự vụ điều hành, tôi chuyên tâm vào việc phát triển hệ thống công nghệ thế hệ mới.
Cứ tưởng giám đốc đầy kinh nghiệm và quan hệ (anh ấy sinh năm 1970) thì công ty sẽ được phát triển lên tầm cao mới, nhưng hoá ra không phải. Anh giám đốc chỉ quen (và cũng chỉ hiểu được) duy nhất cách làm việc “làm dự án”, đi liền với việc “làm dự án” là cách thiết lập mối quan hệ kiểu “truyền thống”: từ các giới thiệu của bạn bè lân la ra các bữa nhậu rồi thành kết nối công việc. Những thứ như internet marketing, mạng xã hội, … là một điều gì đó lạ lẫm và “không hiệu quả”. 03 năm cũng làm được một số dự án, hệ thống công nghệ mới cũng đã hoàn thiện, nhưng cái lõi Internet marketing thì bị xa rời và tụt hậu. Lối đi lừng khừng không rõ ràng, hình ảnh của công ty nhạt nhoà, không xác lập được vị thế cụ thể cũng như phân khúc khách hàng lõi.
Mặt khác, lối làm việc cần nhiều “alone time” đã khiến tôi thức đêm liên tục để thiết kế và viết mã đã bắt đầu tạo ra những hậu quả mà mà tôi không đủ nhạy cảm và tỉnh táo để nhận biết. Việc đêm thức, ngày ngủ, hay mệt mỏi cáu gắt bắt đầu tạo ra những rạn nứt âm thầm với người vợ, dần dần tạo ra những cảm giác cách xa.
Năm 2015, anh giám đốc rời đi, tôi đành phải quay lại kiêm nhiệm việc điều hành, mọi thứ lửng lơ và chất chứa sẵn sự hỗn loạn. 03 năm sau đó, việc phát triển giải pháp công nghệ lẫn thị trường dừng lại, tôi dành toàn bộ thời gian cho việc đi học để phát triển bản thân, vì khi đó không còn nhìn thấy rõ điều gì nữa. 03 năm học gần hết các khoá học của T. Harv Erker, Fabian Lim, Aaron Sansoni, … và nhiều khoá học về đầu tư tài chính, forex, … hăm hở thực hành để rồi “trả giá nhẹ nhàng” là $20.000 cho forex, $16.000 để mở và đóng cửa 2 lần của cùng một cái cửa hàng đồ chơi trẻ em (BongBay.vn). Tất cả là vì sự tham tiền nhanh.
Ở trong nhà, sự “va chạm” giữa các thế hệ từ những thứ nhỏ nhặt tưởng chừng vô hại trong nhiều năm đã tích tụ lại một lượng lớn. Lối sống “lệnh múi giờ” của tôi trong công việc và sinh hoạt ngày càng làm cho “sự cách xa ngay đây” với người vợ ngày càng lớn mà tôi vẫn không nhận biết ra được.
Sự hỗn loạn trong tâm trí bắt đầu bung ra, tôi chẳng biết nên như thế nào, nên đi về đâu. Tất yếu theo lẽ “thông thường”, tôi hướng ra phía ngoài với những trò chơi lông bông, những bữa nhậu nhẹt triền miên, những mối quan hệ ngoài luồng, … để tìm kiếm những “thuốc giảm đau nhanh” cho trạng thái căng thẳng hỗn loạn, tìm kiếm “sự quan tâm ngưỡng mỗ tạm thời” để “giả vờ thấy nên như thế nào”.
Rồi đại dịch COVID-19 đến.
Tưởng chừng sự kiện toàn cầu này sẽ là khoảng thời gian thời gian tĩnh hơn cho nhiều người (trong đó có tôi), vì khi đó “có thời gian” để học, để hiểu bản thân hơn, nhiều gia đình hơn, hiểu bối cảnh xã hội hơn, … Nhưng không phải vậy, dòng chảy căng thẳng & hoảng loạn lan khắp thế giới tác động vào tất cả, không chừa một ai.
Tháng 10/2020, vợ tôi đề nghị ly hôn.
Tôi đã tìm và thực hiện mọi cách có thể trong vòng 02 năm để “hàn gắn và cứu vãn”: chấm dứt sự lông bông ngoài đường để dành toàn bộ thời gian ở nhà, tham gia sinh hoạt với tăng thân Làng Mai, tìm đến NLP coaching, tham dự khoá thiền Vipassana, đến lớp học AIP, đọc lại đống sách Osho, thực hành Phép màu Lòng biết ơn với cộng đồng MMC, và cả mớ những cuộc trò chuyện tham vấn, …. Tôi bắt đầu chấp nhận và nhận ra rõ ràng rằng nguyên nhân là bắt nguồn từ tôi, nhận ra ý nghĩa một cách mạch lạc khi tập nói lại câu “Tôi là nguyên nhân cuộc sống của tôi”, chọn sự chấp nhận rằng sẽ có nhiều thứ sẽ không được như mình muốn, chấp nhận rằng bản thân không cần phải có hình ảnh của một người hạnh phúc được ngưỡng mộ.
Tháng 10/2022, tôi chấp nhận việc vợ chồng chúng tôi đã rẽ thành 2 nhánh song song trên đường đời, chấp nhận việc 2 cậu con trai sẽ lớn lên mà không có tôi luôn ở bên.
Ngày 21/12/2022 – ngày kỷ niệm 12 năm ngày cưới, tôi kéo vali ra khỏi nhà lúc 5h sáng.
Đêm Noel 2022, hội ngộ với một nhóm “bạn trẻ” tại một phòng tập Yoga ở Sài Gòn, khi chia sẻ với các bạn ý về năm 2022 thì tôi chọn từ “tan nát“, và cho năm 2023 là từ “kiến tạo“.
04 tháng sau đó, tôi lang thang từ Tà Xùa qua Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc, … để thiền tập, chạy bộ, đi bơi, thi thoảng đi học, thường thì lang thang để có không gian lẫn tâm trí để mà làm đi làm lại cái bài tập “Tôi là ai?“: tôi đã là ai? tôi đã không phải là ai? tôi đã tưởng tôi là ai? tôi sẽ trở thành ai? tôi sẽ không phải là ai? tôi muốn có được cái gì? tôi muốn được ghi nhận về điều gì? đâu là phẩm hạnh mà tôi có? đâu là những tật xấu tôi vẫn đang lưu giữ? nếu tôi không còn những phẩm hạnh đó hay người khác không ghi nhận, hoặc các tật xấu vẫn ở đó, thì tôi có sống được không?
Khi cho phép bản thân tin vào những điều “khác”, tôi bắt đâu cho phép bản thân được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin “khác”, cách nghĩ “khác”, cách thực thi “khác”, bài học “khác”, … Từng lớp vỏ hành của tâm trí được tôi tự bóc dần ra một cách chậm rãi để càng lúc càng thấy rõ mình “đã bị lập trình” trong nhiều năm, và cái sự bám chấp đó khiến tôi khổ sở.
Trong quãng thời gian này, tôi đến tham dự một lớp học thú vị, tên của nó là “Như Không“ do chị Phan Ý Ly thực hiện với nguyên tắc “cấm cửa tất cả những vị nào có ý định đến lớp để thay đổi bản thân hay để chữa lành“.
Tại lớp “học chơi” này, tôi tham gia vào tất cả các trò chơi cứ như là không chơi (như video ở bên là 2 chàng mắt nhìn nhau đắm đuối khi múa gậy múa quạt), để rồi từ đó tôi tự nhận ra 3 bài học khi thấy nó ứng hiện trên thân:
Tôi tỉnh ra dần dần, và từ từ từng chút một nhận biết được đâu là thứ đang che lấp bản thân, đâu là thứ định kiến/tà kiến đè nặng tâm trí.
Khi liên tục thực hành thiền và quan sát suy nghĩ theo yếu chỉ “chỉ quan sát, không can thiệp“, thì các câu trả lời phù hợp, các giải pháp giá trị, các đối tác cần thiết, các mảnh ghép cần có, … tuần tự xuất hiện để tôi có thể tham dự & vận hành nhiều nhóm cộng tác từ xa, dần dần từng bước kiến tạo ra môi trường phù hợp để tôi có thể sống tốt, tạo lập và đóng góp giá trị.
Tôi quay trở về xem xét lại các mục tiêu, rà soát lại các kiến thức đã có, loại bỏ đi những thứ không phù hợp, kiến tạo cho bản thân nguyên tắc mới trong tái xác định mục tiêu, phương pháp tư duy và cách thức hành động khi đã rõ câu trả lời cho “Tôi là ai?” trong ngữ cảnh mới.
Tôi quay trở về với năng lực lõi đã đi cùng tôi suốt bao năm qua là “Internet Marketing“, đi liền với nó là công nghệ phần mềm. Các kiến thức đã được học và thực hành từ 2015 đến giờ cũng được tôi hệ thống hoá & tái lập lại, loại bỏ đi những tips & tricks để làm đúng chiến lược và “đàng hoàng tử tế”.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã mở rộng hoạt động vực tư vấn/khai vấn và đào tạo để có thể truyền tải và trao đi được nhiều giá trị khi biết dũng cảm chấp nhận sự thay đổi. Tôi lập ra nhóm Fire Phoenix (Phượng Hoàng Lửa) để có thể cộng tác thêm được với nhiều người, quay trở lại việc tổ chức & phụng sự lớp học AIP (Awakening Your Inner Power – Đánh thức sức mạnh phi thường bên trong bạn) để có thể giúp được cho bản thân & nhiều người hơn trả lời được sâu sắc hơn câu hỏi “Tôi là ai?”, giúp cho chính bản thân tôi và họ có thể chủ động lựa chọn “tôi” ở nhiều ngữ cảnh.
Tôi là mục tiêu của tôi
Cuộc sống có mục tiêu là cuộc sống có giá trị
Thay đổi bản thân là mục tiêu của tôi
Mục tiêu của tôi là thay đổi bản thânKhông có mục tiêu tôi vô giá trị
Không có tôi mục tiêu vô giá trị
Tôi sống vì mục tiêu của tôi
Mục tiêu của tôi sống vì tôiTôi là mục tiêu của tôi
Cuộc sống là mục tiêu của tôi
Mục tiêu của tôi là cuộc sống
Tôi tin tôi làm được
Hàng ngày tôi đọc bảng tuyên ngôn trên (như đọc thần chú – mantra) để nhắc nhở bản thân về mục tiêu cuộc sống và sự thay đổi cần có. Từ đó tôi giúp cho chính bản thân và người khác hiểu rõ hơn câu hỏi “Tôi là ai?”, để lãnh đạo bản thân (lựa chọn đúng) rồi đi đến quản lý bản thân (nỗ lực làm điều đúng) trong các hoạt động hàng ngày, để mài dũa ngày càng sắc hơn khả năng thấu cảm với con người. Mặt khác, tôi cũng thường xuyên chia sẻ trải nghiệm, hành trình và thách thức trong việc chủ động bảo vệ & duy trì sức khoẻ. Vì tất cả chúng ta đều cần hiểu bản thân, biết thấu cảm để có lựa chọn đúng đắn, đi kèm với một sức khoẻ tốt trước khi nỗ lực tham gia vào bất kỳ hoạt động nào, từ cuộc sống cá nhân đến công việc, kinh doanh.
Hiện tại, việc ứng dụng các kiến thức có được từ Business Model Canvas, công thức tung sản phẩm (Product Launch Formula của Jeff Walker) kết hợp với phễu marketing/bán hàng liên hoàn (bộ ba bí mật của Russell Brunson) được tích hợp với các trải nghiệm từ hơn 25 năm đã có của công nghệ phần mềm đã giúp cho toàn bộ các hoạt động trong công việc của tôi (Internet marketing theo nguyên tắc “marketing phản hồi trực tiếp“) được tự động hoá hoàn toàn, đa kênh từ nhiều platforms và sàn giao dịch. Điều này cho phép tôi trong thời gian tới sẽ mở rộng việc áp dụng sang các lĩnh vực khác hoặc gia tăng quy mô mà không phải lo ngại về việc phát sinh quá nhiều nhân sự.
Đồng thời, tôi đang mang trải nghiệm của marketing trực tiếp (direct response marketing theo trường phái của Dan S. Kennedy) đến với doanh nghiệp, startups, solopreneurs để họ có thể gia tăng doanh số, giảm thiểu chi phí, mở rộng quy mô thông qua việc tận dụng triệt để công nghệ Internet & AI trong hoạt động marketing, bán hàng và vận hành.
Mặt khác, là một thành viên được chứng nhận của cộng đồng MMC (Người kiến tạo phép màu – cộng đồng duy nhất được nhận chuyển giao tác quyền chính thức từ tác giả Rhonda Byrne), tôi vẫn thường xuyên thực hành và chia sẻ hành trình Phép màu Lòng biết ơn để tự thân được nhìn thấy hành trình nhiều phép màu đang diễn ra, và sẽ còn nhiều phép màu ở phía trước.
Cảm ơn cảm ơn cảm ơn.
Hãy thoải mái gửi một email tới địa chỉ [email protected], nhắn tin qua Messenger hay Telegram, hoặc đơn giản là gửi yêu cầu trực tiếp ở form dưới, tôi sẽ sớm liên hệ.